Cơn sốt đầu tư vào ngành dược từ khâu sản xuất đến phân phối đang khiến các doanh nghiệp trong và ngoài nước đứng trước một cuộc đua đầy cam go. Năm 2018, ngành dược được dự báo sẽ thay đổi mạnh mẽ nhờ các nguồn đầu tư lớn từ cả doanh nghiệp nội lẫn ngoại.
“Trái nghề” cũng vào cuộc
Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường BMI, năm 2017 doanh thu thị trường dược Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2016 và dự báo thị trường này sẽ tăng lên 7,7 tỷ USD vào năm 2021. Chính vì vậy, ngành dược đang hấp dẫn cả nhà đầu tư nội lẫn ngoại.
Tại đại hội cổ đông thường niên gần đây, bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, Vinamilk sẽ hợp tác với Công ty CP Dược Hậu Giang để phát triển các loại thực phẩm chức năng nhiều chất dinh dưỡng và hợp khẩu vị với người Việt. Sự hợp tác này tỏ rõ một thế lực đáng gờm trên thị trường, vì đây là 2 công ty đầy đủ nguồn lực tài chính, hệ thống sản xuất, phân phối, đủ khả năng cạnh tranh cả với các công ty lớn trong ngành dược.
Trước đó, bà Nguyễn Bạch Điệp – Tổng giám đốc Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cho biết, FPT Retail đã mua nhà thuốc Long Châu. FPT Retail dấn thân vào lĩnh vực phân phối dược vì đây là ngành hàng rất tiềm năng, lợi nhuận cao hơn các ngành điện thoại, điện máy hay máy tính đang phải cạnh tranh khốc liệt, biên lợi nhuận ngày càng giảm. Bà Diệp cũng cho biết, hiện FPT Retail đã mở được 10 cửa hàng thuốc và trong 4 năm tiếp theo, hệ thống nhà thuốc Long Châu sẽ có 100 cửa hàng/năm để đạt con số là 400 cửa hàng.
Một đơn vị chuyên phân phối lớn cho các hãng điện thoại trên thế giới là Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) cũng đã chọn thực phẩm chức năng và thuốc không kê đơn để tiếp cận ngành dược. Là nhà phân phối điện thoại nên có thế mạnh phân tích thị trường, tiếp thị, bán hàng, hậu cần, hậu mãi nên việc kinh doanh thêm mảng dược với Digiworld là không khó. Vì vậy kỳ vọng 10 năm tới Digiworld sẽ trở thành nhà phân phối lớn về dược phẩm.
Không bỏ qua sự “màu mỡ” của thị trường dược, các doanh nghiệp ngoại cũng liên tiếp có các thương vụ mua lại cổ phần các công ty dược phẩm Việt Nam. Tập đoàn Abbott (Mỹ) sở hữu 51,69% cổ phần tại Công ty Xuất nhập khẩu y tế Domesco để nắm quyền chi phối. Abbott cũng mua lại Công ty TNHH Dược phẩm Glomed của Việt Nam. Thông qua thương vụ này, Abbott sở hữu ngay 2 nhà máy16.000m2, trị giá 18 triệu USD chuyên sản xuất tân dược thuộc nhóm Non – Beta lactam và nhóm Beta lactam (Cephalosporin) của Glomed.
Hay Tập đoàn Sanofi (Pháp) đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác chiến lược với Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm), bao gồm sản xuất và tiếp thị dược phẩm của Sanofi, cũng như dược phẩm xuất khẩu sang thị trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hay tập đoàn dược phẩm lớn thứ hai Ba Lan là Adamed Group đã thâu tóm 70% cổ phần của Công ty Dược Đạt Vi Phú (Davipharm) với tổng giá trị thương vụ lên tới 50 triệu USD.
… Nhưng không “dễ ăn”
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, trong 10 – 30 năm tới, dân số Việt Nam sẽ già hóa nhanh, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng thì nhu cầu về dược phẩm càng lớn. Nếu nhìn cách các công ty ngoài ngành tham gia vào ngành dược thì thấy trước mắt họ chỉ chọn hệ thống phân phối và các loại thuốc không cần kê toa để đầu tư là chiến lược kinh doanh khá hợp lý.
Hiện nay hệ thống phân phối chưa cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia nên mức độ cạnh tranh còn thấp. Các công ty công nghệ, thực phẩm vốn có thế mạnh về bán hàng nên việc chuyển hóa năng lực này vào mảng dược là khá thuận lợi. Ai làm tốt thị trường, thương hiệu thì sản phẩm sẽ bán chạy.
Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco – một công ty rất mạnh về thuốc không kê đơn, kinh doanh mảng dược cũng cạnh tranh rất khốc liệt, đặc thù của thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng là phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, do vậy không được ưu tiên như kháng sinh. Khi kinh tế khó khăn, người dân có thể giãn ra, ngừng sử dụng thuốc một thời gian. Đây cũng là loại sản phẩm dễ bắt chước, chỉ cần một mặt hàng bán mạnh thì các công ty khác sẽ tung ra đúng loại đó với giá rẻ hơn để cạnh tranh.
Có thể nhìn cách Thế Giới Di Động (MWG) phải chuyển chiến lược trong ngành dược để thấy “cuộc chơi” này không hề đơn giản, mặc dù là đơn vị “phát pháo” đầu tiên.
Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT MWG chia sẻ: “Trước đây Công ty mua nhà thuốc Phúc An Khang với tỷ lệ sở hữu trên 51% để nắm quyền chi phối, biến chuỗi này thành công ty con của MWG. Tuy nhiên, sau khi đánh giá rủi ro có thể gặp phải nên MWG thương lượng lại và quyết định giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 49%. Như vậy, MWG không phải là bên quyết định kế hoạch kinh doanh của chuỗi này, mà chỉ đồng hành và hỗ trợ”.
Bên cạnh đó, một điều khó khăn đối với các doanh nghiệp dược nhất là trong lĩnh vực tân dược đó là sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, luôn bị động về nguồn cung, giá cả và tỷ giá. Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt Nam chỉ đủ khả năng sản xuất thuốc generic (thuốc bào chế theo công thức đã hết thời hạn bảo hộ), vì năng lực nghiên cứu và phát triển các loại thuốc có hạn.
Luật Dược (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong đấu thầu ETC (đấu thầu thuốc tại các bệnh viện), ưu tiên nguồn nguyên liệu trong nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký sản xuất thuốc generic, đã phần nào giúp doanh nghiệp ngành dược chống lại sự cạnh tranh gay gắt của thuốc nhập khẩu giá rẻ từ Ấn Độ, Trung Quốc. Thực tế, các doanh nghiệp ngoại đang nắm giữ vị thế trên kênh này, tiêu biểu là các thương hiệu Sanofi, GSK, Astrazeneca.
Theo bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco, cần trung bình 1 tỷ USD để phát triển hoạt chất mới. Rõ ràng điều này vượt quá tiềm lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam. Chưa kể, sản xuất thuốc generic đòi hỏi công nghệ cao để đưa ra sản phẩm đảm bảo việc chữa khỏi bệnh ngay. Nếu bám sát yếu tố này, khả năng cạnh tranh giá với thuốc ngoại cùng loại cũng không phải dễ. Nhiều doanh nghiệp chọn cách giảm giá bằng cách cắt bớt hoạt chất khiến thuốc có công hiệu thấp và vô tình lại đẩy khách hàng hướng về sử dụng thuốc ngoại.
Nguồn: bizlive.vn